GIỚI THIỆU
1. Địa lý xã Xuân Lộc:
- Tọa độ, giới cận: Là xã nằm ở cực Bắc của tỉnh Phú Yên, có Quốc lộ 1A đi qua, phía Bắc giáp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách nhau bởi đèo Cù Mông; phía Nam giáp xã Xuân Bình; phía Đông là đầm Cù Mông, bên kia đầm là xã Xuân Hải; phía Tây là đồi núi, giáp với xã Xuân Lâm.
- Diện tích: 8.510,48 ha, trong đó vùng đồi núi chiếm 78% tổng diện tích tự nhiên và nằm ở phía Tây và Bắc, vùng đồng bằng và mặt nước chiếm 22% tổng diện tích tự nhiên và nằm ở phía Đông của xã.
- Khí hậu: Xuân Lộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và chịu ảnh hưởng của khí hậu biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm 27oC (nhiệt độ thấp nhất 20,8oC, nhiệt độ cao nhất 33,7oC). Thời tiết nóng ẩm tương đối ổn định.
- Lượng mưa: Tổng lượng mưa hàng năm khoảng 1.800 mm. Tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 9 (548,5mm). Trong mùa hè có mưa tiểu mãn vào tháng 4.
2.Hành chính:
- Cùng với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Phú Yên nới chung và thị xã Sông Cầu nới riêng, Xuân Lộc là khu vực có sự hiện diện của dân cư bản địa từ lâu đời, song hành với các thời kỳ chính trị khác nhau. Từ trước khi sáp nhập vào Đại Việt (thế kỷ 17), các nhóm người đã sống rải rác ven Quốc lộ 1A, ven đầm Cù Mông chủ yếu làm nghê chài lưới và chăn nuôi, trồng trọt. Địa danh Xuân Lộc đã được đặt tên từ những thập niên 50 của thế kỷ trước. Sau nhiều lần tách, nhập địa giới hành chính, tháng 10/1981 thực hiện Quyết định số 100/QĐ-HĐBT ngày 30/9/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, xã Xuân Lộc được thành lập trên cơ sở chia tách xã Xuân Lộc cũ thành 3 xã Xuân Lộc, Xuân Bình và Xuân Hải như hiện nay.
- Xã Xuân Lộc được chia thành 7 thôn: Chánh Lộc, Mỹ Lộc, Thạch Khê, Long Thạnh, Mỹ Phụng, Thọ Lộc và Diêm Trường.
3.Dân cư:
- Dân cư: dân số 12.642 người, 3.834 hộ (Số liệu tổng điều tra Dân số năm 2019)
- Thành phần các dòng họ lớn: Không có
- Số người trong độ tuổi lao động: 8.944 người
4.Kinh tế:
- Diện tích đất canh tác nông nghiệp: 287ha, tổng sản lượng lương thực có hạt quy thóc hàng năm đạt 1.930 tấn, sản lượng thu hoạch trung bình hàng năm 8,1 tấn/ha;
- Thành phần kinh tế: Nông nghiệp 38% (1.458 hộ), Thương mại – dịch vụ 40% (1.533 hộ), Công nghiệp – xây dựng 22% (844 hộ)
- Hoạt động tiểu thủ công nghiệp và chế biến phát triển chủ yếu với các ngành nghề: cơ khí, hàn tiện, nhôm kính, mộc; sản xuất các sản phẩm truyền thống từ bột gạo như: bún, bánh tráng, bánh hỏi, nấu rượu thủ công (Rượu Quán đế); sản xuất nước uống đóng chai, đá tinh khiết,
- Thương mại, dịch vụ: phát triển chủ yếu ở Chợ trung tâm xã Xuân Lộc (chợ hạng 2 của thị xã Sông Cầu, nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của các xã phía bắc thị xã), trên trục Quốc lộ 1A nhất là khu vực phía Nam Đèo Mông (thôn Long Thạnh) và dọc bờ kè Đầm Cù Mông.
- Du lịch: Suối Thạch Khê với phong cảnh tự nhiên hoang sơ rất có tiềm năng để phát triển du lịch; đầm Cù Mông có dòng nước nóng ngầm và nhiều loại hải sản rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái.
5.Văn hóa:
- Những khai quật khảo cổ học tại di chỉ Cồn Đình (thôn Diêm Trường) cho thấy trên địa bàn Xuân Lộc có người tụ cư rất sớm. Niên đại cách ngày nay sơm nhất là từ 4000-3500 năm và muộn nhất 2100 năm, đây cũng là niên đại các nhà khoa học ước đoán của đàn đá Tuy An và kèn đá.
- Hệ thống đền, chùa, miếu mạo: Trong xã có chùa Phước Long xây dựng từ đời Gia Long (Triều Nguyễn) thuộc phái Lâm Tế, đây là ngôi chùa cổ nhất; chùa Long Hưng lập năm 1880; Tịnh xá Ngọc Rạng; chùa Phước Lộc (trước đây là Niệm phật đường Chánh Lộc); chùa Bửu Sơn là ngôi chùa của các tín đồ phật giáo Hòa Hảo lớn nhất Miền Trung.
Ngoài ra tại các thôn đều có các miếu thờ các vị thành hoàng làng như: Miếu ông Trụ (thôn Mỹ Phụng), Miếu bà Cây cầy (thôn Mỹ Lộc), dinh Nhà thờ (thôn Chánh Lộc), miếu Cây gạo (thôn Thạch Khê), dinh Hội đồng (thôn Long Thạnh), miếu bà Mỹ Sơn (thôn Diêm Trường) … đều tổ chức cúng tế lễ trong Tháng Giêng hàng năm.
- Các công trình văn hóa: Hiện nay trên địa bà xã có Trung tâm văn hóa xã, Sân tập thể dục thể thao Chánh Lộc, có 4/7 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ bắc Sông Cầu, Bia chiến công đèo Cù Mông (được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử năm 2017).
6.Giáo dục: Hiện nay trên địa bàn xã có 05 đơn vị trường học, gồm: Trường Mầm non Xuân Lộc (đạt chuẩn quốc gia) , Trường tiểu học Xuân Lộc 1 (đạt chuẩn quốc gia), Trường tiểu học Xuân Lộc 2, Trường tiểu học Xuân Lộc 3 (đạt chuẩn quốc gia) và Trường THCS Bùi Thị Xuân.
7.Y tế: Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất Trạm y tế xã được xây dựng mới năm 2015 và duy trì xã đạt Chuẩn Quốc gia về Y tế. Công tác khám, điều trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại ngày càn được tăng cường, đã góp phần nâng cao chất lượng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
- Y học cổ truyền xã Xuân Lộc có nét đặc thù là đội ngũ thầy thuốc Đông Y được đào tạo vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và đã phối hợp cùng nền Y học dân gian của bản địa phát triển. Đến nay ngành Đông Y Xuân Lộc luôn có những bài thuốc hay, cây thuốc lạ và thầy thuốc giỏi.Trong năm những năm qua Hội Đông y Xuân Lộc cũng như cả nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị..v.v. Hòa nhịp trong nhịp bước đó toàn thể cán bộ hội viên Hội Đông y Xuân Lộc luôn bám sát thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hội, như công tác xây dựng cũng cố mạng lưới thuốc, sưu tầm, nuôi trồng, thu hái và chế biến dược liệu đảm bảo hiệu quả, giúp công tác khám, điều trị bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.